Vi-rút Marburg là một vi-rút họ Filoviridae (cùng họ với Ebola), độc nhất về mặt di truyền, có thể gây bệnh xuất huyết nghiêm trọng ở người, tỷ lệ tử vong dao động từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng vi-rút và chất lượng điều trị tại cơ sở y tế.

Vi-rút Marburg là loại vi-rút gây ra bệnh sốt xuất huyết ở người và động vật. Vi-rút lây truyền qua việc tiếp xúc với dơi ăn quả (ở châu Phi), hoặc từ người sang người qua dịch thể hô hấp. Từ đó gây bệnh xuất huyết “giống ma” với tỷ lệ tử vong gần 90%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định hai ca tử vong do vi-rút Marburg tại Ghana ngày 18/7. Marburg gây ra các đợt bùng phát sốt xuất huyết nhỏ, số ca nhiễm lẻ tẻ chủ yếu ở Trung và Nam Phi. Tuy nhiên, các ca tử vong mới nhất một lần nữa cho thấy mầm bệnh có thể vượt qua ranh giới về loài và lây nhiễm sang người, có nguy cơ gây ra dịch bệnh nguy hiểm.

Vi-rút Marburg đã xuất hiện như thế nào?

Bệnh do vi-rút Marburg xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1967, khi các đợt bùng phát xảy ra đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Frankfurt của Đức và thủ đô Belgrade của Serbia.

Marburg có thể đã truyền từ dơi ăn quả châu Phi sang những người làm việc lâu dài trong các hầm mỏ, hang động. Đây không phải mầm bệnh lây lan qua không khí. Vi-rút lây nhiễm giữa người với người thông qua dịch thể như máu, nước bọt hoặc nước tiểu.

Các ca nhiễm bắt nguồn từ những con khỉ Grivet được nhập khẩu từ Uganda để nghiên cứu và sản xuất vắc-xin bại liệt. Sau đó, các đợt bùng phát lẻ tẻ được báo cáo tại Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda.

Năm 2008, ca nhiễm độc lập đầu tiên được ghi nhận ở các du khách đến thăm hang động có bầy dơi Rousettus ở Uganda.

Các triệu chứng nhiễm vi-rút Marburg

Sau thời gian ủ bệnh từ hai đến 21 ngày, người nhiễm virus bắt đầu có triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, khó chịu, đi kèm với đau nhức cơ. Đến ngày thứ ba, họ bị tiêu chảy ra nước, đau bụng và chuột rút, buồn nôn, nôn mửa. Tình trạng tiêu chảy kéo dài khoảng một tuần.

Trong giai đoạn này, nhiều bác sĩ mô tả bệnh nhân có vẻ ngoài thiếu sức sống, “giống ma” với đôi mắt trũng sâu, khuôn mặt vô cảm và cực kỳ thờ ơ.

Trong đợt bùng phát được ghi nhận vào năm 1967, đa phần bệnh nhân nổi phát ban nhưng không ngứa từ hai đến 7 ngày sau các triệu chứng đầu tiên. Nhiều bệnh nhân bị chảy máu nghiêm trọng hoặc xuất huyết vào ngày thứ 7. Máu tươi xuất hiện trong chất nôn và phân, thường đi kèm với triệu chứng chảy máu mũi, lợi và âm đạo. Chảy máu tự phát tại các vị trí có đường tĩnh mạch để truyền dịch hoặc lấy mẫu máu.

Trong giai đoạn chuyển nặng, người bệnh sốt cao liên tục, có thể nhầm lẫn, cáu kỉnh và hung hăng. Nam giới đôi khi bị viêm hai tinh hoàn vào tuần thứ ba.

Bệnh nhân thường tử vong từ 8 đến 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, sau khi mất máu nghiêm trọng và sốc.