Đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, đòi hỏi kinh nghiệm của phẫu thuật viên và rất nhiều trang thiết bị hỗ trợ.

(Ảnh: BVCC)

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa thực hiện thành công 2 trường hợp thay van động mạch chủ và phình động mạch chủ ngực lên, một phần quai động mạch chủ qua đường mở ngực phải tối thiểu, không cần mở xương ức.

Bệnh nhân đầu tiên là ông N.V.T. (67 tuổi), nhập viện với chẩn đoán hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ hai mảnh, phình động mạch chủ ngực lên đường kính 53mm.

Bệnh nhân được ê-kíp bác sĩ Khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim phẫu thuật vào ngày 11/11 bằng phương pháp thay van động mạch chủ sinh học số 25, thay đoạn lên và một phần quai động mạch chủ bằng ống ghép nhân tạo số 26 qua đường mở ngực bên phải.

Bệnh nhân thứ hai là bà N.T.N. (66 tuổi), nhập viện trong tình trạng hẹp nặng van động mạch chủ, van động mạch chủ 3 mảnh, phình động mạch chủ ngực lên đường kính 45mm.

Bệnh nhân được phẫu thuật vào ngày 19/11 bằng phương pháp thay van động mạch chủ sinh học số 21, thay động mạch chủ ngực lên bằng ống ghép nhân tạo số 24.

Thời gian phẫu thuật trung bình của 2 bệnh nhân khoảng 6 giờ, thời gian thở máy sau phẫu thuật của bệnh nhân trung bình là 12 giờ, thời gian nằm trong hồi sức cấp cứu trung bình khoảng 18 giờ… 2 bệnh nhân đều hồi phục tốt và xuất viện trong tình trạng ổn định. Tái khám sau một tháng phẫu thuật, 2 bệnh nhân đều khỏe mạnh và đã trở lại với cuộc sống bình thường (ảnh minh họa).

Theo PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, phương pháp mới này là một trong những tiến bộ của ngành phẫu thuật tim. Bởi trước đây, với những trường hợp tương tự, bệnh nhân phải được xẻ xương ức và trải qua tối thiểu sau 6 tháng mới có thể thực hiện những động tác như dang tay, lái xe. Bên cạnh đó, một vài bệnh nhân còn đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng xương ức.

Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim cho biết: Về mặt thẩm mỹ, các đường mổ kinh điển trước đây là những đường mổ rạch da rất dài, trong khi đó phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu này chỉ thực hiện đường mổ rất ngắn, từ 5 – 6cm. Quan trọng hơn, đường mổ kinh điển là đường mổ cưa toàn bộ xương ức, đòi hỏi một thời gian dài để bệnh nhân hồi phục. Đường mổ càng dài thì sẽ càng khiến bệnh nhân mất nhiều máu. Vì thế, với đường mổ nhỏ và chỉ rạch qua gân, cơ và không gây tổn hại xương như trong kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ mất máu rất ít và rút ngắn thời gian hồi phục.

Nguồn: vtv.vn