Khái quát về nhiễm khuẩn không khí trong bệnh viện
Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện bao gồm nhiều quy trình và hoạt động đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao. Một trong những thách thức chính của công tác này là việc kiểm soát nhiễm khuẩn không khí. Các chất ô nhiễm và mầm bệnh nguy hiểm trong không khí có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn nhiều so với những hình thức nhiễm khuẩn khác.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn không khí trong môi trường y tế: các hạt hô hấp do người mắc bệnh truyền nhiễm ho hoặc hắt hơi; cấu trúc phòng thiếu sự lưu thông và trao đổi không khí, tạo ra môi trường thích hợp cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển…
Những nguyên nhân này đã được phổ cập và hiểu biết rộng rãi, đồng thời nhiều biện pháp phù hợp cũng được đưa ra để giúp nâng cao khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn khuẩn như: xây dựng các khu vực cách ly, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt và phun hóa chất khử khuẩn thường quy…
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan, những câu hỏi cần thiết phải đặt ra là liệu chúng ta đã làm đủ tốt để kiểm soát nhiễm khuẩn không khí hay chưa, liệu rằng có còn những nguyên nhân nào góp phần vào nhiễm khuẩn bệnh viện mà chúng ta cần quan tâm và thảo luận thêm?
Nguyên nhân “vô hình” gây nhiễm khuẩn không khí tại Bệnh viện Chợ Rẫy và những cơ sở y tế khác
Ngày nay, phương pháp xử lý không khí chính của bệnh viện Chợ Rẫy là thông qua của các hệ thống điều hòa không khí cỡ nhỏ (máy lạnh treo tường). Vì tính cơ động, dễ lắp đặt và bảo trì, phù hợp với cấu trúc xây dựng, các máy lạnh này hiện diện khắp nơi trong các tòa nhà của bệnh viện, và gần như thay thế hoàn toàn các hệ thống máy lạnh trung tâm cỡ lớn (AHU).
Về mặt lợi ích, các máy lạnh cỡ nhỏ này đem lại tiện nghi về nhiệt độ, kiểm soát độ ẩm và trao đổi không khí cho các phòng khoa. Đặc biệt, với các phòng quan trọng như phòng mổ, phòng thủ thuật, phòng cấp cứu… được thiết kế theo tiêu chuẩn phòng sạch, các máy lạnh treo tường lại càng đóng vai trò quan trọng rõ nét trong việc tạo ra môi trường không khí cho hoạt động của những khu vực này.
Mặc dù vậy, chúng ta lại thường không chú ý và bỏ qua về khả năng nuôi dưỡng và phát tán các vi sinh vật nguy hiểm, đóng góp không nhỏ vào ô nhiễm không khí và tăng tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện (HAI). Nhưng tại sao lại như vậy?
Vì sao thiết bị lọc không khí lại là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí?
Nguyên tắc chung của các hệ thống xử lý không khí dù lớn hay nhỏ là lọc, giữ lại các chất bụi bẩn, tách hơi ẩm và điều chỉnh nhiệt độ của dòng không khí đầu vào. Sau quá trình xử lý này, không khí khô hơn và lạnh hơn sẽ được phân phối để sử dụng, tạo ra môi trường thoải mái hơn cho các phòng.
Tuy nhiên, quá trình này cũng tồn tại những vấn đề của riêng nó. Cùng với nước ngưng tụ trong quá trình trao đổi nhiệt tạo thành môi trường tối và ẩm ướt giúp vi sinh vật bám dính và sinh sản mạnh mẽ bên trong máy lạnh. Chỉ sau một thời gian hoạt động, bề mặt dàn tản nhiệt sẽ bị tập hợp của các vi sinh vật này – còn được gọi là màng sinh học – bao phủ.
Màng sinh học bám dính trên dàn trao đổi nhiệt không chỉ giúp vi sinh vật phát triển và phát tán khắp nơi gây ra tình trạng nhiễm khuẩn không khí, mà còn giữ lại và tích tụ các chất bụi bẩn. Theo thời gian, màng sinh học càng dày, chức năng trao đổi nhiệt và kiểm soát độ ẩm trong không khí càng suy giảm. Cuối cùng, sự ô nhiễm này dẫn đến một loại các vấn đề về sức khỏe của bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, tỷ lệ nhiễm trùng tăng lên, uy tín và thương hiệu bị ảnh hưởng…
Sự nhiễm khuẩn này ẩn sau lớp vỏ bên ngoài sạch sẽ của máy lạnh, do đó thường ít khi được sự quan tâm của các nhân viên y tế, tạo ra mối nguy hiểm “vô hình” âm ỉ kéo dài.
Với tần suất sử dụng các máy lạnh rất cao, số lượng nhân viên và bệnh nhân đông đúc tại bệnh viện Chợ Rẫy, quá trình nhiễm khuẩn này càng được đẩy nhanh và khó kiểm soát hơn. Vấn đề này không chỉ tồn tại ở Chợ Rẫy, mà còn phổ biến ở hầu hết những bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe khác.
Phương pháp vệ sinh máy lạnh truyền thống có thể giải quyết vấn đề không?
Cho đến nay, phương pháp phổ biến nhất để làm sạch một thiết bị xử lý không khí là phun xịt áp lực kết hợp với các hóa chất tẩy rửa. Đây không phải là phương pháp tối ưu nhất nhưng nó phổ biến vì người ta chưa biết đến những phương pháp tối ưu hơn, và vì “ở chỗ khác người ta cũng làm như vậy”.
Cách làm này sử dụng một vòi nước áp lực cao để cố gắng tẩy rửa màng sinh học và các chất bụi bẩm bám bên trong máy lạnh. Nó có thể tạm thời giải quyết được tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nhưng không thể giải quyết được những vấn đề sau đây:
- Một phần màng sinh học và lớp bụi bẩn không được làm sạch hoàn toàn, chúng chỉ đơn giản là tồn tại và bị đẩy vào sâu hơn bên trong giữa khe hở của các vây tản nhiệt trên một bộ phận được gọi là dàn trao đổi nhiệt.
- Sự nhiễm khuẩn sẽ nhanh chóng bắt đầu trở lại sau khi máy lạnh được sử dụng. Cũng có nghĩa không khí sẽ không còn an toàn.
Một máy lạnh bị ô nhiễm tại Chợ Rẫy
Khó khăn khi áp dụng vệ sinh phun xịt truyền thống tại Chợ Rẫy
Nhiều phòng khoa quan trọng tại bệnh viện Chợ Rẫy, chẳng hạn như Phòng cấp cứu, Phòng hồi sức tích cực ICU của Khoa Nội Tim Mạch.., việc vệ sinh các máy lạnh theo phương pháp phun xịt thủ công gần như là bất khả thi. Những phòng này có tần suất hoạt động cao độ, thậm chí quá tải, trong khi một nhân viên vệ sinh máy lạnh cần có nhiều không gian và khoảng thời gian gián đoạn hoạt động để thực hiện công việc. Chưa kể đến, các thiết bị dây dẫn, đồ nghề vệ sinh cồng kềnh vô hình chung làm ảnh hưởng đến hoạt động của phòng khoa…
Trong môi trường nhiều áp lực như vậy, cùng với nỗi lo lắng khi xử lý những chất ô nhiễm nguy hiểm, những vi sinh vật có sức sống mạnh mẽ và khả năng kháng thuốc cao, hầu hết công việc vệ sinh thủ công đều thực hiện một cách qua loa, không giúp cải thiện chất lượng không khí trong phòng.
Trước vấn đề nhiễm khuẩn máy lạnh trong cơ sở, bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng giải pháp gì để giải quyết vấn đề? Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi phần sau để làm rõ.