Bệnh Tay Chân Miệng (BTCM) là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

BTCM phần lớn ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5.
BTCM thường gặp nhất vào mùa xuân và mùa thu (từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 12).
Thời gian ủ bệnh (là giữa thời gian bị nhiễm và khởi phát triệu chứng) thường từ 3 đến 7 ngày.
BTCM thường nhẹ và chỉ gây sốt trong vài ngày, các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương đối nhẹ.


Bệnh lây lan bằng đường tiếp xúc với người nhiễm bệnh qua:

(1) Dịch tiết mũi họng
(2) Nước bọt
(3) Dịch từ mụn nước
(4) Phân
(5) Giọt bắn từ đường hô hấp vào không khí khi ho hoặc hắt hơi.

Các dạng mụn nước điền hình. Nguồn ảnh :hics.org.vn

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TPHCM thì tính đến hết tuần 11 của năm 2021, toàn thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tuần 11 có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca). 21/24 quận huyện đều gia tăng ở mức báo động.

Biểu đồ: Số ca mắc bệnh tay chân miệng theo tuần năm 2020 (màu cam) 2021 (màu xanh lá cây)

Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Một vấn đề hết sức quan trọng cần lưu ý đó là theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.


Sáu biện pháp phòng chống bệnh :

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
2. Ăn chín, uống sôi.
3. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, dụng cụ thường dùng. Kết hợp kèm theo các biện pháp khử khuẩn tăng cường trong không khí (Điều hòa không khí của bạn có còn an toàn cho sức khỏe?), khử khuẩn bề mặt (Thiết bị khử khuẩn cầm tay SterilWand)
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Đưa trẻ đi khám chữa ngay ở cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Nguồn và ảnh : hics.org.vn